Nếu bạn thực sự đang tìm hiểu về các công ty dịch vụ bảo vệ? Bài viết này sẽ giúp bạn có đầy đủ những thông tin cần thiết. Bạn sẽ biết sự ra đời của các công ty bảo vệ. Các văn bản pháp quy của Nhà Nước và quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Các công ty dịch vụ bảo vệ đang hoạt động như thế nào? Ở Việt Nam, hiện nay có bao nhiêu công ty dịch vụ bảo vệ? Chất lượng thực sự của các công ty dịch vụ bảo vệ ra sao? Những mặt trái, những góc khuất của ngành nghề bảo vệ?
Mục lục bài viết
SỰ RA ĐỜI CÁC CÔNG TY DỊCH VỤ BẢO VỆ

Hình công ty bảo vệ thành lập vào những năm 1995 – 1999. Ngày đó, việc đào tạo thực hiện rất kỹ càng
Trước đây ở Việt Nam không có các công ty dịch vụ bảo vệ. Lý do là thời kỳ bao cấp, các công ty chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy đội ngũ bảo vệ là do các nhà máy, xí nghiệp tự thành lập, tổ chức. Kể từ khi chuyển đổi nền kinh tế sang doanh nghiệp tư nhân. Cộng với chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài. Năm 1995 một doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư công ty dịch vụ bảo vệ đầu tiên tại Việt Nam. Đó là Công ty Bảo Vệ Thăng Long.
Cùng năm 1995, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Ông có hơn 40 năm trong lực lượng An ninh. 10 năm làm cận vệ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tướng Xoàn đã mở ra một công ty bảo vệ tư nhân đầu tiên do người Việt Nam làm chủ. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bảo vệ Long Hải. (giấy phép số 2009 / GP-UB do UBND TP.HCM cấp ngày 06/09/1995). Nay đổi tên CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ BẢO VỆ LONG HẢI
Nhiều công ty dịch vụ bảo vệ cùng ra đời
Nhận thấy việc mở công ty dịch vụ bảo vệ có nhiều tiềm năng, giá trị về lợi ích kinh tế. Lần lượt nhiều Sĩ quan Công an nghỉ hưu cũng phối hợp, thành lập ra các công ty dịch vụ bảo vệ. Những năm 1996 đến 2000, các công ty dịch vụ bảo vệ thành lập ngày một nhiều. Trên cơ sở các quy định của Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990.
Ở thời kỳ này, mỗi năm có một vài công ty bảo vệ ra đời. Số lượng công ty mới năm sau cao hơn năm trước nhiều lần, có thể kể tên như: Thắng Lợi, Hoàng Gia, Sao Mai, Tây Sơn .v.v. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty có tên trên đã không còn tồn tại! Chúng ta sẽ cũng tìm hiểu lý do vào một bài viết khác.
CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ
Hoạt động của các công ty về lĩnh vực dịch vụ bảo vệ liên quan đến an ninh, trật tự xã hội. Hàng ngày xuất hiện những người mặc sắc phục an ninh, nhưng lại do tư nhân quản lý. Tình trạng làm việc theo cảm tính, tự phát đã ít nhiều ảnh hưởng chung đến tình hình trật tự xã hội. Trong khi đó, đang thiếu hành lang pháp lý để quản lý các công ty dịch vụ bảo vệ. Vì vậy, Bộ Công An đã đề xuất chính phủ ban hành các quy định để quản lý công ty dịch vụ bảo vệ.
Nghị định số 14/2001/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ,
Ngày 25/04/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2001/NĐ-CP, về “quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ”. Trong nghị định đã quy định rõ các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ con người, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ tài sản, hàng hóa. Đồng thời quy định về điều kiện thành lập, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự để thành lập công ty dịch vụ bảo vệ, v.v

Giấy Chứng Nhận đủ điều kiện ANTT để kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo Nghị định 14/2001/NĐ-CP
Thực tế Nghị Định 14 ra đời càng làm cho cho nhiều người có cơ sở để mở công ty dịch vụ bảo vệ. Tại thời điểm Nhà Nước cũng khuyến khích phát triển kinh tế khối tư nhân. Vì vậy, từ năm 2001 – 2007 có rất nhiều công ty dịch vụ bảo vệ mới được thành lập.
Các công ty bảo vệ mọc lên như nấm! Mọi người ai cũng có thể mở công ty bảo vệ khi chỉ cần có đủ năng lực hành vi dân sự. Mỗi công ty chọn một trang phục, biển hiệu khác nhau. Thậm chí có trang phục giống y như Công An hoặc Quân đội. Nhiều người nhìn vào không thể phân biệt đâu là Công an, đâu là Bảo vệ?
Khi có nhiều công ty trên thị trường thì tình trạng cạnh tranh cũng trở lên khốc liệt hơn! Đã có nhiều vụ xảy ra xô xát giữa các công ty dịch vụ bảo vệ. Tình trạng phức tạp ngày một gia tăng. Đứng trước thực trạng đó, chính phủ đã phải ban hành nghị định 52 thay thế cho Nghị Định 14.
Nghị định số 52/2008/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ,
Nghị định số 52/2008/NĐ-CP về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ được ban hành ngày 22/08/2008. Tại Nghị định này đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Trong đó nổi bật là điều kiện của người đứng đầu doanh nghiệp. Phải có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, luật. Đặc biệt là công ty bảo vệ phải có vốn pháp định 2 tỷ đồng. Phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định nêu trên trong suốt quá trình hoạt động. Đồng phục bảo vệ thống nhất 1 kiểu theo quy định.

Giấy Xác Nhận đủ điều kiện ANTT để kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo Nghị định 52/2008/NĐ-CP. Thay đổi từ “chứng nhận” thành “xác nhận”
Khi Nghị định 52 ra đời đã hạn chế được việc thành lập doanh nghiệp bảo vệ một cách ồ ạt. Các điều kiện đăng ký kinh doanh được siết chặt. Các quy định quản lý cũng được rõ ràng và chặt chẽ hơn. Vì vậy, số lượng các công ty bảo vệ mới thành lập giảm đáng kể! Tuy nhiên, có một số người không đủ điều kiện thì tìm cách lách luật, thuê người đứng tên trên giấy phép để đủ điều kiện thành lập, v.v.
Hiện nay, nghị định 52/2008/NĐ-CP đã được thay thế bằng nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Nghị định số 96/2016/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ,
Nghị định 96/2016/NĐ-CP ban hành ngày 01/07/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, nghị định đã gom hết các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào làm một. Trong số các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên lãnh thổ Việt Nam.

Giấy Chứng Nhận đủ điều kiện ANTT để kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Nghị định 96 lại đổi từ “xác nhận” thành “chứng nhận”
Nghị định 96/2016/NĐ-CP đã bỏ quy định “vốn pháp định 2 tỷ đồng”. Theo đánh giá, thì nghị định thoáng hơn cho việc thành lập công ty, nhưng chặt chẽ hơn trong quản lý và báo cáo. Xem nghị định này TẠI ĐÂY
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CÔNG TY DỊCH VỤ BẢO VỆ
Nhiều người không biết các công ty dịch vụ bảo vệ đang hoạt động như thế nào? Hoạt động như thế là đúng hay không đúng luật? Trong khi trên thị trường thì có rất nhiều công ty dịch vụ bảo vệ? Mỗi công ty hoạt động một kiểu “muôn hình vạn trạng”! Phương pháp quản lý, chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ v.v không công ty nào giống công ty nào! Để giúp bạn hiểu rõ hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ là như thế nào? Trước mắt chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là dịch vụ bảo vệ? Xin xem bài Dịch Vụ Bảo Vệ là gì?
Trở lại vấn đề về hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Các công ty bảo vệ sẽ phải có 3 khâu quan trọng trong hoạt động của mình. Đó là Tuyển Dụng, Đào Tạo và Quản Lý Nhân Viên. Sự khác biệt của từng công ty thể hiện ở việc làm tốt hay không tốt từng khâu trong 3 khâu này! Việc đầu tiên là tuyển dụng nhân viên bảo vệ vào làm việc cho công ty. Kế đến là tổ chức đào tạo cho các nhân viên mình mới tuyển. Rồi sau đó mới đưa các nhân viên đã được đào tạo đến làm việc cho các khách hàng và quản lý họ.
Tuyển dụng nhân viên bảo vệ
Nghị định 52/2008/NĐ-CP quy định rất rõ về điều kiện tiêu chuẩn đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ. Qua đó, các công ty dịch vụ bảo vệ phải tuyển người đúng theo tiêu chuẩn. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ tốt, có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, có trình độ học vấn từ phổ thông trung học hoặc bổ túc trung học trở lên và không thuộc một trong các trường hợp quy định cấm.
Tuyển dụng nhân viên bảo vệ theo quy định Nghị định 96
Chuyển qua Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì không quy định bắt buộc về điều kiện tiêu chuẩn đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ. Có lẽ chính phủ tôn trọng quyền làm việc của mọi người là như nhau. Tôn trọng sự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản 9, điều 25 về trách nhiệm có quy định rằng:
“Chỉ sử dụng nhân viên làm việc trong cơ sở kinh doanh từ đủ 18 tuổi trở lên; có đủ năng lực hành vi dân sự; không nghiện ma túy. Không sử dụng nhân viên là người đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; người đang trong thời gian được tha tù trước thời hạn có điều kiện; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ” – Khoản 9, điều 25-
Mặc dù vậy, khâu tuyển dụng là khâu rất quan trọng đối với công ty dịch vụ bảo vệ. Muốn có chất lượng dịch vụ tốt thì khâu tuyển dụng phải đảm bảo tốt. Tuyển dụng giống như hoạt động lựa chọn các nguyên liệu tốt để đưa vào sản xuất cho ra một sản phẩm chất lượng. Nếu việc tuyển dụng được kỹ càng thì sẽ lựa chọn được những nhân viên tốt. Qua đó khi các nhân viên xuống phục vụ khách hàng sẽ đảm bảo được những yêu cầu công việc.
Đào tạo nhân viên bảo vệ

Một buổi sát hạch đào tạo nghiệp vụ bảo vệ cho Công ty dịch vụ bảo vệ do Công an tổ chức
Các quy định của pháp luật hiện hành đều rất quan tâm đến việc đào tạo nhân viên bảo vệ. Trong đó quy định rõ về giáo trình đào tạo gồm các nội dung cơ bản về chính trị; pháp luật; nghiệp vụ bảo vệ; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; công tác phòng cháy và chữa cháy; công tác sơ, cấp cứu người bị nạn; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; một số động tác võ thuật phục vụ tự vệ và khống chế đối tượng; một số nội dung khác theo yêu cầu thực tiễn của mục tiêu cần bảo vệ. Thời gian đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ ít nhất là 30 ngày.
Khâu đào tạo này rất quan trọng và nó cũng thể hiện được được bộ mặt thật của công ty dịch vụ bảo vệ. Sự khác biệt giữa các công ty bảo vệ cũng thể hiện rõ nét ở khâu này. Công ty nào đào tạo càng kỹ, càng chuyên sâu, thì công ty đó sẽ cho ra những nhân viên bảo vệ có chất lượng cao. Nhân viên bảo vệ sẽ có đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản để thực hiện công việc bảo vệ cho khách hàng.
Quản lý nhân viên bảo vệ
Nghề bảo vệ ăn nhau ở sự quản lý. Sự khác biệt giữa các công ty thể hiện rõ nét nhất ở khâu này. Do bởi dịch vụ bảo vệ là các sản phẩm bằng con người. Phàm đã là con người thì rất khó quản lý.
Chính vì vậy, Công ty nào quản lý tốt thì công ty đó có chất lượng tốt. Việc quản lý không chỉ là những các quy định, biệt pháp. Nó là tổng thể các biện pháp liên quan đến hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si của con người. Quan trọng hơn cả là ở chỗ động viên hướng dẫn kịp thời. Những công ty nào quản lý không tốt là nhân viên bảo vệ sẽ làm việc một cách tự phát, vô kỷ luật, nghỉ bỏ việc ngang, chủ quan, lơ là,… dẫn đến mất an toàn cho Mục tiêu.
Phục vụ khách hàng
Ba nội dung nêu trên là nội dung then chốt, chủ yếu trong hoạt động động kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Các công ty dịch vụ bảo vệ ngoài 3 nội dung trên còn thêm một số yếu tố nữa đó là phục vụ khách hàng. Hay còn gọi là dịch vụ khách hàng. Phục vụ tốt là kinh doanh tốt. Điều đó mỗi doanh nghiệp phải tự ý thức và chủ động.
Tuy vậy, việc này không phải công ty nào cũng đang làm tốt. Nó phụ thuộc vào đường lối chủ trương và bản chất, tính tình, quan điểm, thái độ của Ban lãnh đạo công ty đó. Thực tế có một số công ty họ rất được khách hàng ưa chuộng và hợp tác lâu dài, đó chính là do khả năng phục vụ khách hàng của họ rất tốt!
CÔNG TY DỊCH VỤ BẢO VỆ
Như đã nói ở trên, hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ gồm 3 khâu là Tuyển Dụng – Đào Tạo – Quản Lý. Khâu tiếp theo là thực hiện dịch vụ cho khách hàng – phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều công ty bảo vệ không làm được đúng và đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Có rất nhiều khó khăn khách quan trong Tuyển Dụng – Đào Tạo – Quản Lý. Cũng có những công ty lạm dụng thương hiệu của các công ty lớn để lập lờ đánh lừa khách hàng. Và còn có rất nhiều những mặt trái, những góc khuất của ngành nghề bảo vệ.
Đón xem phần tiếp theo của bài viết. Thực trạng các công ty dịch vụ bảo vệ hiện nay
Để trở thành công ty dịch vụ bảo vệ tại Việt Nam cũng nhiều vấn đề nhỉ?
Cũng không khó lắm ạ! Chỉ cần đủ điều kiện. Quan trọng là có phát triển được hay không thôi 🙂
Hiện tại có bao nhiêu công ty bảo vệ tại Việt Nam ạ?
Theo số liệu chưa đầy đủ thì ở Việt Nam hiện có khoảng 1000 công ty bảo vệ nhé bạn